Trang chủ Điện Quang văn minh THỦY TINH – NƠI ẤY TÔI TRƯỞNG THÀNH

THỦY TINH – NƠI ẤY TÔI TRƯỞNG THÀNH

Bài viết đạt giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tác “Điện Quang và tôi”, hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày thành lập công ty.

Hai mươi sáu năm đã trôi qua trong chớp mắt. Tôi không có năng khiếu văn càng không phải là nhà văn.Thế mà không hiểu sao tôi lại cứ muốn trải lòng mình đến vậy. Có phải chăng khi nghĩ về chặng đường sau hai mươi sáu năm gắn bó làm cho tôi xúc động và kỷ niệm lại ùa về như mới ngày nào tôi còn ở tuổi mười bảy bẻ gảy sừng trâu.

Nhớ lại ngày 27/7/1986, lần đầu tiên bước chân vào Xí nghiệp. Chân tôi không nhấc nổi bởi những mảnh vụn của thủy tinh rải đầy bên dưới, thế rồi nhờ các cô các chú, các anh chị em ngày ấy động viên mà những bước chân của tôi ngày càng mạnh dạn hơn, tự tin hơn.

Nơi đầu tiên làm việc của tôi là Phân xưởng Thủy tinh. Tôi làm ca A,  chú Hứa Văn Thanh làm trưởng ca. Khi tôi vào làm chú đã có biệt danh là “trùm sò” và chú Phúc phó ca có biệt danh là “quan huyện” trong vở Nghêu Sò Ốc Hến. Có câu chuyện nhỏ tôi còn nhớ mãi: Một hôm, chú Thanh mời cả tổ về nhà chơi, sau khi đem những hũ yaourt ra mời,  quay vào lấy nước, khi trở ra chú không thấy ai dám ăn hết chú liền hỏi sao không ăn, cả nhóm tôi nhìn nhau, rồi một đứa hỏi chú có tính tiền không mới dám ăn, chú xua tay cười vang. Chú Thanh là vậy, trong công việc chú rất nghiêm túc ai cũng sợ, nhưng trong cuộc sống bình thường chú rất hiền và thương chúng tôi.

Khi làm tại phân xưởng ống thủy tinh, tôi được các dì làm cùng ca A tập cắt ống, bó ống, lựa hột. Do còn trẻ con nên tôi ngang bướng, ương ngạnh, sốc nổi nghĩ gì nói nấy nhưng nhờ những tấm lòng của các dì yêu thương tôi như con, các dì đã chỉ dạy cho tôi đủ điều hay lẽ phải, tập cho tôi có chút nữ tính mà người con gái cần.Trong ca có dì Sáu (Bên) lo lắng cho tôi con gái đi đêm đi hôm rất bất tiện khi đến tuần ca đêm dì bảo tôi lên sớm đi cùng dì. Ca 2 làm từ 2 giờ chiều đến 10 giờ đêm, tôi về nhà dì ngủ. Rồi có dì Tư (Hải) nữa có gì ngon dì cũng để dành mang vào cho tôi ăn. Tôi đặc biệt nhớ và thích nhất là món chè dì nấu, món đó trở thành món ruột của tôi…Có lẽ chính vì có những tình cảm chân tình đó mà tôi nắm bắt nhanh được công việc của mình. Những thanh ống trong suốt và dài vô tận đã “ngoan ngoãn” mà nằm yên cho tôi ẵm bồng để đóng gói. Sau một năm thành thạo công việc tôi lại được chuyển sang bộ phận máy kéo thủy tinh. Nơi đây tôi  không còn ẵm bồng thủy tinh nữa mà tôi phải làm cho nó hoàn hảo hơn đúng qui chuẩn hơn bởi những quy định bắt buộc về chất lượng sản phẩm.

Những dãy ống thủy tinh trong lò nóng đỏ rực, mới nhìn thôi đã thấy ngán mà những người thợ máy kéo như chúng tôi phải cầm chặt lấy nó chạy theo vận tốc lò mà kéo. Độ dài, ngắn, dày, mỏng, trong, đục của thủy tinh lúc bấy giờ như sinh mệnh của hơn cả trăm người trong Xí nghiệp bởi nó gắn liền với cuộc sống mưu sinh của những người thợ. Sự nóng chảy của thủy tinh trên dưới hơn một ngàn độ C làm sao sánh bằng độ bền bỉ dẻo dai chịu thương chịu khó của cả một tập thể anh chị em thủy tinh lúc bấy giờ. Ăn cùng thủy tinh,ngủ cùng thủy tinh,hờn giận vì thủy tinh.Thậm chí đổ máu cũng vì mảnh thủy tinh.

Hồi đó, khi làm việc nữ thường đi  guốc. Có một lần, trời xui đất khiến thế nào mà mải lo kéo ống tôi bị trượt guốc té lăn quay vào ngay chân giám đốc đang đứng gần đó. Tôi không bị la gì cả, nhưng từ đó chú bắt thay đổi, nữ làm máy kéo phải mang giày bata để đảm bảo an toàn.

            Thế rồi thêm một năm làm người thợ kéo ống tôi lại rẽ sang công việc khác mà khi nhận nó tôi hoang mang lo sợ hơn lần đầu. Đó là làm nhân viên phòng y tế. Công việc này theo lý mà nói nó liên quan đến mạng người. Môi trường làm việc khác hẳn nơi sản xuất, trong ca giận hờn nhau một hồi là xong nghĩ sao nói vậy, còn ở ngoài này muốn nói phải suy nghĩ kĩ trước khi nói. Như nhận thức lúc đầu của tôi: lựa lời nhẹ nhàng mà nói giọng điệu lên xuống vừa phải thôi.

Công việc của tôi giờ là tay cầm bút và vận dụng cái đầu, không dùng sức.Ngày đầu tiên nhận việc tôi gặp không ít khó khăn trở ngại nhưng có khó khăn chi khi xung quanh tôi luôn có các đồng nghiệp tốt luôn kề vai sát cánh tạo cho tôi cơ hội được đi học thêm về văn hóa và chuyên môn để tôi trưởng thành theo thời gian và có cơ hội đóng góp cho tới ngày nay.

Sau bao nhiêu khó khăn thăng trầm thay đổi, Xí nghiệp tôi nay không sản xuất ống thủy tinh nữa mà đang làm bóng đèn tròn các loại và đèn compact. Công việc tôi giờ cũng kiêm nhiệm nhiều hơn mà công việc toàn gần mặt trời (các Sếp ấy mà) mặt trời nóng lắm. Hôm nào sếp giận đố dám trình ký cái gì, sếp vui thì vui theo sếp, sếp buồn lính cũng buồn theo. Hiện nay, tôi đang là lính của sếp Nhở. Mỗi sếp mỗi tính cách,vui buồn thể hiện khác nhau, giận dữ cũng khác nhau, cưng lính cũng mỗi cách khác nhau nhưng có một điểm chung tất cả vì Xí nghiệp vì Công ty vì  đại gia đình Điện Quang.

Xin cám ơn tất cả các đồng nghiệp của tôi, những người đã ra đi và cả người còn ở lại. Tất cả đã dạy cho tôi biết như thế nào là tốt, biết như thế nào là xấu, biết cho đi rồi nhận lại, biết san sẻ khó khăn vui buồn, biết dừng lui đúng lúc, biết lựa lời mà nói. Biết chấp nhận thất bại để rút kinh nghiệm cho bản thân, đương đầu với thử thách. Giờ đây đã qua rồi tuổi bẻ gảy sừng trâu, tôi giờ đã có gia đình làm vợ làm mẹ của đứa con hai mươi tuổi. Tôi vô cùng biết ơn những người đã tạo cho tôi cơ hội để tôi có được như ngày hôm nay. Chính sự hiểu biết đó đã giúp rất nhiều cho bản thân  và gia đình tôi. Mỗi khi nghe các cháu trong xí nghiệp gọi cô ơi  rồi có khi bật khóc với cô khi gặp những bức xúc trong công việc, tâm sự với cô những câu chuyện gia đình,tình yêu… tôi cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc bởi vì tôi đã trưởng thành theo cách tôi đã nhận, tôi cũng cho đi với những gì tôi đã có. Nó làm cho tôi gắn bó với Xí nghiệp hơn.

        Kính chúc các đồng nghiệp của tôi sức khỏe dồi dào, làm ăn khấm khá Công ty phát đạt, tiền lương ngất ngưởng có kèm theo thưởng con số không tưởng mỗi tháng nhận lương.

                                                                                                                                                                                                                                                           Hạ Phím

                                                                                                                                                                                                                                  – Một người luôn nhớ về nhiều người –