Trang chủ Điện Quang văn minh QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 

Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1973, với ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện. Thương hiệu Điện Quang là thương hiệu đứng đầu trong ngành chiếu sáng và thiết bị điện tại Việt Nam. Sản phẩm Điện Quang được tiêu thụ rộng khắp tại các tỉnh thành trong cả nước, được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Không chỉ xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu Việt, Điện Quang còn tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu công nghệ Việt ra thị trường thế giới. Để có được những thành tựu to lớn đó, tập thể CBCNV Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã không ngừng nỗ lực rèn luyện,phấn đấu với tinh thần sáng tạo – rộng lượng – trách nhiệm để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức theo từng chặng đường lịch sử

Cùng với sự biến động của lịch sử cũng như sự phát triển của ngành chiếu sáng Việt Nam, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang cũng đã trải qua chặng đường đầy chông gai và thử thách để có bước trưởng thành và phát triển như ngày nay.

Có thể tóm tắt chặng đường 40 năm hình thành và phát triển của Điện Quang qua 4 giai đoạn sau đây:

Giai đoạn 1 (1973 – 1975) – Khởi đầu

Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, tiền thân là Công ty Điện Quang (Electrolite Inc.) thành lập vào năm 1973, trụ sở chính đặt tại lầu 4 Bến Chương Dương, Quận 1, Tp Sài Gòn. Cơ xưởng sản xuất của công ty đặt tại khu kỹ nghệ Biên Hoà Sonadezi với toàn bộ máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất được đầu tư theo công nghệ sản xuất bóng đèn huỳnh quang (bóng đèn tuýp) của hãng Toshiba, Nhật Bản. Để sử dụng các công nghệ hiện đại lúc bấy giờ, công ty đã mời một số chuyên gia giỏi về công nghệ chiếu sáng được đào tạo bài bản tại Pháp và Nhật Bản để điều hành công ty như: ông Dương Mộng Ảo – Tổng Giám đốc; ông Bùi Đức Mạnh –  Giám đốc và ông Nguyễn Thành Châu – Phó Giám đốc. Bên cạnh đó, công ty cũng thuê 2 chuyên gia người Nhật để hướng dẫn và đào tạo về công nghệ sản xuất đèn.

Công ty hoạt động sản xuất bình thường cho đến tháng 06/1974 thì tạm dừng sản xuất do hết nguyên liệu và khó khăn về tiêu thụ. Tại miền Nam, thời điểm này chính quyền cũ chưa có chính sách bảo hộ các mặt hàng sản xuất nội địa, trong khi đó thị trường có sự cạnh tranh gay gắt với đủ các nhãn hiệu của: Mỹ, Nhật, Hà Lan, Đức… Đặc biệt vào giữa năm 1974, bóng đèn General do Mỹ viện trợ cho chính quyền Sài Gòn bị tuồn ra thị trường bán với giá rẻ, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm bóng đèn của Công ty. Trước tình hình đó, để duy trì hoạt động và giữ chân công nhân lành nghề, công ty phải thế chấp ngân hàng vay tiền để tiếp tục sản xuất cầm chừng. Mọi giao dịch buôn bán thương mại phải thông qua ngân hàng để trừ nợ. Tình hình nhà máy lúc này rất khó khăn, đời sống công nhân cơ cực.

Giai đoạn 2 (1975 – 1996): Phục hồi và phát triển

Sau 30/04/1975 Ban Quân quản cử ông Ba Sáng tức Lê Tấn Sáng về tiếp quản cơ xưởng sản xuất, sau đó bàn giao lại cho ông Mười Luông tức Nguyễn Văn Luông làm Giám đốc để quản lý thiết bị, hồ sơ kỹ thuật và kêu gọi công nhân đã làm việc trước đó vào trình diện và làm việc lại.

Đầu năm 1976, ông Nguyễn Nhật được điều về làm Giám đốc thay cho ông Mười Luông. Thời gian này công ty bước vào một thời kỳ mới, công nhân cũ từ 64 người tăng lên 105 người. Công ty hoạt động ráo riết, phát triển và hình thành các phòng ban sản xuất. Đến cuối năm 1977 lao động tăng lên 138 người. Sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường.

Năm 1979, Bộ Công nghiệp nhẹ thành lập Nhà máy Bóng đèn Điện Quang trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: Xí nghiệp Đèn ống (Biên Hoà), Xí nghiệp Ống thuỷ tinh (Biên Hoà), Xí nghiệp Đèn tròn (12 Tôn Đản – Quận 4 – Tp HCM); đặt trụ sở văn phòng chính tại 96 – 98 Đồng Khởi, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Giám đốc nhà máy lúc này là ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc là ông Nguyễn Nhật.

Đến năm 1985, ông Hoàng Lâm được Bộ Công nghiệp nhẹ bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp Sành sứ Thuỷ tinh II, ông Nguyễn Nhật được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy Bóng đèn Điện Quang.

Năm 1987, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động với công suất 1.920 MW, cung cấp điện cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước đã mở ra cho ngành công nghiệp điện năng Việt Nam bước phát triển mới. Từ đây nhu cầu sử dụng các thiết bị điện ngày một tăng. Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đại hội VI (1986) của Đảng đề ra, vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thị trường và hòa nhập vào dòng chảy phát triển của Đất nước, Điện Quang bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Chủ trương nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm tiêu hao nguyên vật liệu đã được phổ biến đến từng người thợ, đặc biệt ưu tiên các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhất.

Năm 1988, Điện Quang tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật toàn quốc về “Kỹ thuật chiếu sáng phổ cập và thuỷ tinh kỹ thuật”. Hội nghị được tổ chức trong 3 ngày, thu hút hơn 300 người tham dự trong đó có sự góp mặt của Viện Khoa học kỹ thuật Hà Nội, Viện Hạt Nhân, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách Khoa Tp HCM, các nhà máy thuộc Tổng Công ty Sành sứ Thuỷ tinh. Đây là hội nghị đầu tiên và duy nhất về thuỷ tinh kỹ thuật vào thời điểm lúc bấy giờ được tổ chức một cách quy mô và bài bản. Hội nghị đã nhận được sự quan tâm của nhiều kỹ sư trong nước và quốc tế với nhiều đề tài nghiên cứu về thuỷ tinh kỹ thuật và chiếu sáng phổ cập.

Năm 1989, Bộ Công nghiệp nhẹ quyết định thành lập Xí nghiệp Liên hợp Bóng đèn Điện Quang trên cơ sở Nhà máy Bóng đèn Điện Quang trực thuộc Liên hiệp xí nghiệp Sành sứ Thuỷ Tinh II.

Năm 1990, Điện Quang trang bị thêm dây chuyền sản xuất bóng đèn huỳnh quang theo công nghệ của hãng Federal – Đài Loan với công suất 900 cái/giờ.

Đến năm 1991, Bộ Công nghiệp nhẹ đổi tên Xí Nghiệp Liên hợp Bóng đèn Điện Quang thành Công ty Bóng đèn Điện Quang.

Năm 1993, Công ty Bóng đèn Điện Quang chuyển trụ sở giao dịch về 121 – 123 – 125 Hàm Nghi, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.

Năm 1994, ông Nguyễn Văn Hùng, được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang.

Trong giai đoạn này, do đặc thù của nền kinh tế, Điện Quang chỉ tập trung vào công tác sản xuất,toàn bộ sản phẩm đầu ra đều được tiêu thụ thông qua một đơn vị phân phối duy nhất.

Điện Quang là nhà sản xuất bóng đèn huỳnh quang duy nhất của Việt Nam (cho đến năm 2000).

Giai đoạn 3 (1996 – 2005): Đổi mới

Năm 1996, sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt: tình hình kinh tế – xã hội thoát khỏi khủng hoảng, đời sống vật chất của nhân dân cải thiện, chính trị giữ vững ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố. Thành tựu 10 năm đổi mới đã tạo được nhiều tiền đề cần thiết cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá Đất nước, tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Để đáp ứng tình hình mới, liên tục trong nhiều năm liền Điện Quang đã đầu tư nhiều dự án để nâng cao sức cạnh tranh: tập trung vào công nghệ, giải pháp sản xuất đồng bộ, quy trình sản xuất khép kín từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm hoàn chỉnh đầu ra, giảm giá thành, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới với tính năng đa dạng và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.

Năm 1997, Điện Quang đầu tư dây chuyền sản xuất đèn huỳnh quang Ø28 công suất 4 triệu bóng/năm và liên tục cải tiến nâng cấp qua các năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng và cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.

Đến năm 1998, Điện Quang đầu tư thêm một dây chuyền công nghệ hiện đại sản xuất bóng đèn tròn dây tóc xoắn kép có hiệu suất sáng hơn bóng đèn dây tóc xoắn đơn 20% với công suất 12 triệu bóng/ năm. Sản phẩm này ra đời đã chiếm được thị phần cao, chinh phục được người tiêu dùng.

Năm 1999, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất Ballast điện từ với công nghệ dập và ép lõi từ tự động, giúp sản phẩm có chất lượng tốt và ổn định hơn.

Năm 2000, để đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, Xí nghiệp Bóng đèn Bình Minh được di chuyển tới khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Khi khánh thành lấy tên là Xí nghiệp Đồng An với mong muốn đây là nơi mọi người đồng tâm làm việc và hưởng sự an lành trong cuộc sống.Thời gian này, Công ty đã đầu tư một dây chuyền huỳnh quang lắp đặt tại Xí nghiệp Đồng An và đầu tư mới cho Xí nghiệp Ống thuỷ tinh một lò thủy tinh trung tính hiện đại của hãng NEG (Nhật Bản) có công suất 24 tấn/ngày với số vốn đầu tư 35 tỷ đồng, nhằm chủ động nguồn cung cấp ống thủy tinh cao cấp cho sản xuất bóng đèn với giá cạnh tranh nhất. Đây là lò thủy tinh được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là hiện đại nhất hiện nay ở Việt Nam và trong khu vực.

Năm 2000, bà Hồ Thị Kim Thoa được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Cũng trong năm này, Điện Quang đã xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm với các tiêu chí “An toàn – Tiết kiệm – Thân thiện môi trường”, cam kết mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tính đến năm 2002, Công ty đã đầu tư tổng cộng hơn 200 tỷ đồng cho việc nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và đổi mới công nghệ. Từ chỗ chỉ sản xuất các loại bóng đèn tròn và bóng đèn huỳnh quang thông thường, Điện Quang đã sản xuất được trên 100 loại sản phẩm chiếu sáng và điện dân dụng chất lượng cao như: Bóng huỳnh quang T8 tiết kiệm điện, bóng đèn tròn dây tóc xoắn kép cho hiệu suất sáng cao hơn 20%, bóng đèn Compact siêu tiết kiệm, máng đèn huỳnh quang, công tắc, ổ cắm âm tường, dây điện dân dụng, ổ cắm, phích cắm điện chịu nhiệt,…

Đặc biệt năm 2003, Điện Quang trở thành nhà sản xuất bóng đèn đầu tiên tại Việt Nam thương mại hóa thành công công nghệ Tricolor Phospho và giới thiệu ra thị trường dòng sản phẩm mới cao cấp “Điện Quang MaxX”, đã gặt hái được nhiều thành công, được Bộ Công  Nghiệp ký quyết định công nhận là sản phẩm tiết kiệm năng lượng (ngày  22 tháng  06 năm 2007).

Tháng 6/2003 Công ty tiếp nhận thêm Công ty Thuỷ tinh Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương và Xí nghiệp Thuỷ tinh Thái Bình. Đồng thời Công ty cũng tiếp nhận thêm một dây chuyền sản xuất bóng đèn huỳnh quang nhãn hiệu Federal Machinery.

Tháng 12/2003 Xí nghiệp Thuỷ tinh Thái Bình được thực hiện cổ phần hoá 100% và chuyển giao về cho địa phương quản lý.

Giai đoạn 4 (từ năm 2005): Hội nhập

Ngày 03/02/2005  là cột mốc đặc biệt đáng ghi nhớ của Điện Quang trong giai đoạn mới. Đây là ngày Điện Quang chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần với tên gọi Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Đây cũng là tên giao dịch hiện nay của công ty.

Ngày 21/02/2008 Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với mã chứng khoán là DQC.

Trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2008, với định hướng phát triển theo mô hình tập đoàn chuyên sâu trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện, Công ty cần đầu tư và chuyên môn hoá sâu một số lĩnh vực hoạt động trong ngành, vì vậy Công ty đã thành lập năm công ty thành viên và hai công ty liên doanh, bao gồm:

  • Công ty Cổ phần phân phối Điện Quang tên viết tắt là DQD: là đơn vị kinh doanh dịch vụ phân phối chuyên nghiệp trong ngành chiếu sáng và thiết bị điện.
  • Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Điện Quang tên viết tắt là DQI: Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm vật tư nguyên phụ liệu trong ngành chiếu sáng và thiết bị điện.
  • 3 công ty chuyên về tư vấn, thiết kế và thi công các hệ thống M&E công nghiệp và dân dụng, hệ thống tự động hoá, các hệ thống điện trung và hạ thế, hệ thống điện lạnh, phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, các hệ thống chiếu sáng công cộng là: Công ty Cổ phần Kỹ Nghệ Điện Quang tên viết tắt là DQE, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Điện Quang tên viết tắt là DQTCông ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Điện Quang tên viết tắt là DQX
  • Công ty liên doanh Điện Quang Taisin là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh dây cáp điện.
  • Công ty liên doanh Điện Quang Scope là đơn vị chuyên sản xuất các mạch điều khiển điện tử và lắp ráp linh kiện – bo mạch cho đèn LED.

 

Ghi chú: (Do nhu cầu tái cơ cấu Công ty đã thoái vốn khỏi liên doanh Điện Quang – Taisin vào năm 2010 và Công ty Cổ phần Kỹ Nghệ Điện Quang vào năm 2012.)

 

Đồng thời trong các năm 2006, 2007, 2008 Điện Quang đã đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất sản phẩm tiết kiệm điện với tổng giá trị đầu tư trên 100 tỷ đồng để nâng năng lực sản xuất lên 100 triệu sản phẩm các loại/năm. Thời gian này, Điện Quang tăng cường phát triển bộ sưu tập sản phẩm tiết kiệm điện và bảo vệ thị lực cho người tiêu dùng, đa dạng hoá sản phẩm đèn compact tiết kiệm từ 3w đến 110w với các loại bóng 2u đến 6u và đèn compact xoắn. Đặc biệt, sản phẩm bóng đèn compact 110W của Điện Quang là bóng đèn compact có công suất lớn nhất do Việt Nam sản xuất cho đến thời điểm này.

Năm 2008, Công ty xây dựng thêm nhà xưởng số 3 tại Đồng An với diện tích sử dụng là 5760 m2, đồng thời đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bộ đèn Double Wing với công suất lên đến 900 sản phẩm/ 1giờ. Sản phẩm này đã được Điện Quang đăng ký độc quyền về kiểu dáng, nhãn hiệu tại Việt Nam.

Không chỉ đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, Điện Quang còn luôn chú trọng tới việc đầu tư mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2008, đánh dấu bước đột phá của Điện Quang trong quá trình phát triển bằng việc kí kết hợp đồng liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Công nghiệp Venezuela để xây dựng khu liên hợpsản xuất bóng đèn tiết kiệm điện VietVen tại khu công nghiệp – thương mại và dịch vụ tự do Paraguana, Punto Fijo, thuộc bang Falcon, Venezuela, có diện tích 80.000 m2,với công suất thiết kế là 74 triệu bóng/năm.

Năm 2009, Công ty ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất bóng đèn compact cho công ty Liên doanh VietVen.

Năm 2010, sau 2 năm khảo sát, đánh giá tại nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam…phía Venezuelađã quyết định chọn Điện Quang làm đơn vị tổng thầu EPC để xây dựng nhà máy VietVen, với tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 300 triệu USD. Theo đó, Điện Quang đóng vai trò là nhà thầu chính chịu trách nhiệm toàn bộ các hạng mục liên quan của dự án, bao gồm thiết kế – mua hàng – xây dựng.

Ngày 21/05/ 2012, phân xuởng đầu tiên của Nhà máy Liên doanh đã chính thức đi vào hoạt động và cho ra đời những sản phẩm đèn tiết kiệm đầu tiên của khu vực Trung Mỹ và Caribe.