Trang chủ Tin tức - sự kiện Ánh sáng Điện Quang

Ánh sáng Điện Quang

 

Thực hiện: Phùng Dũng

(Báo Hà Nội mới ngày 3/3/2002)

Được đánh giá là một đơn vị dẫn đầu trong ngành sản xuất bóng đèn Việt Nam. “Điện Quang” là tên gọi rất quen thuộc không chỉ với dân chúng thành phố Hồ Chí Minh mà với mọi vùng đất nước. Mục tiêu “Ở đâu có ánh sáng, ở đó có Điện Quang” được đề ra từ đầu những năm 90 của thế kỉ 20 dĩ nhiên mới chỉ là mong ước, song từ đó đến nay mong ước này chẳng còn cách hiện thực bao xa khi sản phẩm của Công ty đã chiếm trên 70% thị phần tiêu thụ cả nước.

Với 4 Xí nghiệp thành viên là Xí nghiệp Ống thủy tinh, Đèn ống, Bình Minh và Đồng An , Công ty Bóng đèn Điện Quang là một trong số ít Công ty có thâm niên sản xuất bóng đèn gần 30 năm qua. Những gian nan của thời lập nghiệp hiện vẫn còn được lãnh đạo CBCNV Công ty thường xuyên kể cho nhau nghe với niềm tự hào. Cái thuở phải vượt lên chính mình giờ đã thành kỷ niệm, song không có nghĩa là đã hết tác dụng nhắc nhở mọi thành viên, mọi thế hệ công ty bài học về sự đoàn kết, phấn đấu bằng khả năng của mình chứ không thể trông đợi bất kỳ phép mầu nào.

10 năm đã qua từ những ngày khó khăn ấy, Điện Quang đã đạt được những kết quả đáng tự hào với giá trị SXCN tăng gần 600%, doanh thu tăng gần 1.100%, nộp ngân sách tăng gần 800%, thu nhập tăng gấp 13 lần và năng suất lao động tăng gần gấp 5 lần.

Năm 2001, tổng giá trị sản lượng của Điện Quang lên tới 200 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2000. Sản phẩm của Công ty giờ đây không chỉ tiêu thụ nội địa mà đã vươn ra tới Hàn Quốc, một số nước Trung Đông và trong khu vực ASEAN. Được người tiêu thụ và đồng nghiệp công nhận là đơn vị dẫn đầu của ngành sản xuất bóng đèn nhiều năm qua, bóng đèn của Công ty luôn đạt và vượt chuẩn quốc gia, đạt tiêu chuẩn JIS của Nhật Bản, đồng thời được cấp chứng chỉ quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9002 cùng hàng loạt  huy chương vàng, bạc qua các đợt Hội chợ quốc tế Hàng công nghiệp Việt Nam và liên tục lọt vào Topten hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích nhất…

Không chỉ giỏi trong lĩnh vực SX – KD, ánh sáng của Điện Quang còn hướng tới nhiều lĩnh vực xã hội với hàng loạt đợt đóng góp ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, trẻ em không nơi nương tựa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hàng chục nhà tình nghĩa, tình thương, nhận phụng dưỡng 22 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, và hàng loạt công tác xã hội khác với số tiền hàng tỷ đồng.

Tuy vậy, ánh sáng “Điện Quang” cũng không vì thế mà tự thỏa mãn để quên đi bao thách thức còn ở trước mặt.

Cuộc phỏng vấn (dẫu là chớp nhoáng) với Tổng giám đốc Hồ Thị Kim Thoa chính là hướng vào thách thức đó: Điện Quang đã và sẽ chuẩn bị như thế nào cho năm 2006 thời điểm Việt Nam tham gia chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEFT) và tiến tới tự do hóa mậu dịch trong khu vực (AFTA)”?

Thật bất ngờ, khi trước mắt tôi, nhà hoạch định chiến lược cho Điện Quang, người đạt hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong KD – SX để góp phần đưa ánh sáng của Điện Quang tràn ngập trên nửa đất nước lại là một người phụ nữ nhỏ nhắn, dịu dàng, rất kiệm lời về mình. Đáp lại những câu hỏi “táo tợn” của cánh nhà báo, cái giọng trong trẻo mang âm sắc xứ Nghệ thật đặc biệt đã ngay lập tức biến cuộc phỏng vấn thành buổi trò chuyện.

Ngay từ tháng 7 – 1995, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN và lộ trình CEPT và AFTA được công bố, chúng tôi đã chuẩn bị cho chương trình này. Theo lộ trình ấy, sản phẩm bóng đèn điện sẽ phải cắt giảm thuế từ 40% hiện nay xuống còn 20% vào năm 2003 và chỉ còn 0 – 5 % vào năm 2006. Để Điện Quang có đủ năng lực cạnh tranh khi đó, chương trình chúng tôi đề ra tựu trung lại có 5 điểm, có thể nói gọn như thế này: đầu tư tự động và hiện đại hóa thiết bị ngang tầm với các nước khu vực, nội địa hóa bán thành phẩm, nguyên liệu để tạo thế chủ động, mở rộng mặt hàng để tạo sự đồng bộ, triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9002 để quảng bá nhãn hiệu tiến tới chiếm lĩnh thị trường nội địa thay thế hàng nhập khẩu và đặc biệt là việc chăm lo, thỏa mãn nhu cầu của người lao động trong việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Với một chương trình có vẻ hướng nội như vậy, chiến lược xuất khẩu của Điện Quang sẽ ra sao?

Theo điều tra của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, có tới 16% doanh nghiệp không biết hoặc rất ít biết thông tin về hội nhập. Khả năng xuất khẩu cũng đáng lo ngại với 62,5% doanh nghiệp không có sản phẩm xuất khẩu. Chúng tôi quan niệm “không hội nhập là chết” bởi thế ngay từ năm 1997, Công ty Điện Quang đã xuất khẩu lô bóng đèn đầu tiên trị giá 63,7 triệu USD sang thị trường Hàn Quốc. Đây được coi như cuộc thử nghiệm, đợt sát hạch đầu tiên bởi để xuất khẩu được, chúng tôi phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất của bên nhập khẩu. Kết quả là từ đó đến nay bóng đèn Điện Quang đã có mặt ở nhiều thị trường ngoài nước, năm 2001 này kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi đã tăng gấp 10 lần vào cuối tháng 2/2002 này chúng tôi sẽ lại tiếp tục xuất khẩu một công – ten – nơ sản phẩm sang Hàn Quốc. Từ kết quả đó chúng tôi khẳng định rằng: xuất khẩu không chỉ giúp công ty cân đối nguồn ngoại tệ nhập khẩu vật tư sản xuất mà điều quan trọng là qua đó chúng tôi kịp thời nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng, xu hướng phát triển công nghệ để kịp thời cải tiến sản phẩm của mình. Bài học những năm 1992 – 1993 vẫn còn đó với việc thị truờng tràn ngập bóng đèn nhập khẩu, chiếm tới 95% của 23 hãng nước ngoài, bóp nghẹt bóng đèn sản xuất trong nước, đẩy các công ty của ta đứng trên bờ vực của sự phá sản. Bởi thế bên cạnh việc chiếm lĩnh thị trường nội địa, xuất khẩu để hội nhập là điều tối quan trọng và tối cần thiết.

Có vẻ như mọi việc của lộ trình tới 2006 với chị, với Điện Quang đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và chắc chắn sẽ chẳng còn điều gì đáng phải bàn?

Còn chứ, còn rất nhiều là khác. Với việc giảm tiêu hao vật tư, tăng năng suất lao động, nội địa hóa một phần nguyên liệu, tiến tới nội địa hóa bán phần thành phẩm, giá bán sản phẩm của Điện Quang năm 2001 so với năm 1996 đã giảm 30%, song còn phải tiếp tục giảm nữa. Chúng tôi đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng cho đầu tư công nghệ nhằm giảm giá trị lao động sống trong kết cấu giá thành sản phẩm , tăng chất lượng sản phẩm và cải tiến mẫu mã sản phẩm để đạt tiêu chuẩn vừa để xuất khẩu vừa để thay thế hàng ngoại nhập, như việc đầu tư lò nấu thủy tinh công suất 24 tấn/ngày và giới thiệu sản phẩm  đèn huỳnh quang Compact mới gần đây… Song chưa đủ vẫn còn phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn, cao hơn nữa, trước mắt là để đáp ứng yêu cầu 7700 tấn ống thủy tinh, 19 triệu bóng đèn huỳnh quang, 17 triệu bóng đèn tròn các loại trong năm 2002, sau đó đáp ứng mọi nhu cầu về sản phẩm này trên thị trường nội địa.

Và một điều phải làm , liên tục làm với Điện Quang để bảo đảm cho những thắng lợi đó là sự chăm lo cho lực lượng lao động. Mỗi dự án tự động hóa của Điện Quang luôn đi kèm với dự án sử dụng lao động dôi dư một cách hữu ích. Bên việc bảo đảm thu nhập của mọi CBCNV là việc phát triển nguồn nhân lực một cách khoa học, trong sự trợ giúp cho mọi người học tập, phát triển. Hiện nay chúng tôi đã có 113 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng (chiếm 18% tổng số CBCNV) và trong tương lai con số ấy còn phải cao hơn nữa để sẵn sàng cho hội nhập. Thỏa mãn nhu cầu lao động, xây dựng một quan hệ bình đẳng dân chủ và liên tục phát triển nguồn nhân lực vững mạnh, đó chính là động lực tiến tới mọi thành công của Điện Quang.

… Kết thúc một cuộc trao đổi cũng là khi thành phố vừa lên đèn. Tôi bước vào vùng sáng lung linh của Hà Nội và thấy đâu đâu cùng tràn ngập sắc màu của sản phẩm Việt Nam. Đó là niềm vui, và hơn cả niềm vui, đó còn là niềm tự hào, sự tự tin để các doanh nghiệp của chúng ta, như “Điện Quang” vững bước vào tương lai./.