Trang chủ News News Lãi suất mười mấy phần trăm thì không ai đi làm công nghiệp

Lãi suất mười mấy phần trăm thì không ai đi làm công nghiệp

Để vào được chuỗi cung ứng toàn cầu, giành đơn hàng thì phải rẻ hơn hàng Trung Quốc, nhưng cạnh tranh về giá luôn là thách thức với các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vì các bất cập của chính sách thuế, phí, lãi vay…

Ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết sẽ xây dựng luật về phát triển công nghiệp, trọng tâm lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn – Ảnh: HỮU HẠNH

Trong phiên thảo luận mở của hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” tổ chức chiều 28-2 tại khách sạn Rex (TP.HCM), các doanh nghiệp đã chỉ ra những “thiếu vắng” về hỗ trợ khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chưa có tính cạnh tranh trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết Luật công nghiệp sẽ có Ban chỉ đạo về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Điều này để khắc phục vai trò còn mờ nhạt của các sở công thương, địa phương.
“Các chính sách hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Vì vậy, trong xây dựng luật sẽ chú trọng vấn đề như chính sách thuế như kích cầu cấp bù lãi suất, vì lãi suất mười mấy phần trăm không ai đi làm công nghiệp. Phải anh hùng lắm, tâm huyết lắm mới đi làm công nghiệp” – ông Hoài nói.
Ngoài ra, ông Hoài cũng thông tin thêm các chính sách mới như tạo ra hệ sinh thái công nghiệp, hỗ trợ công nghệ, phát triển sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Đồng thời ông nhấn mạnh mong muốn hiệp hội ngành hàng phát huy hơn nữa vai trò, đóng góp tiếng nói xây dựng các chính sách thuế, lãi suất, ngân hàng để hoàn thiện hơn các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp.

Ông Hồ Quỳnh Hưng – chủ tịch Công ty cổ phần Điện Quang – nói chưa có nhiều ưu đãi cho sản phẩm công nghệ cao sản xuất trong nước – Ảnh: HỮU HẠNH

Nhập khẩu nguyên liệu liệu thuế 20%, thành phẩm 0%
Nêu ra nỗi bức xúc suốt 20 năm qua về sự không hợp lý của chính sách thuế, ông Đỗ Phước Tống – chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM nói quy định của luật là giảm dần mức thuế từ thành phẩm tới nguyên liệu thô.
Tuy nhiên, trên thực tế quy định hiện hành thì nhiều mặt hàng nguyên liệu vẫn đánh thuế, thuế nhập khẩu nguyên thiết bị bằng 0%, nhưng nhập nguyên liệu có sản phẩm thậm chí lên tới… 20%.
Đặt câu hỏi làm sao doanh nghiệp tự chủ tham gia vào chuỗi cung ứng, ông cho rằng dù doanh nghiệp cần chủ động, nhưng nếu có bệ đỡ chính sách tốt thì doanh nghiệp sẽ có năng lực tốt hơn. Với Hội Cơ khí điện TP đang xây dựng chương trình “Made by Việt Nam”, để làm sao giảm giá thành sản xuất và cạnh tranh được.
“Làm sao để khi nhà mua hàng đưa ra mà không bỏ chạy, thì cần cải tiến hệ thống, bệ đỡ chính sách, chi phí tài chính, đầu tư, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực cải tiến, xây dựng tinh thần Việt để doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm theo đúng nghĩa là Made by Việt Nam” – ông Tống nói.
Phải rẻ hơn hàng Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Trí, giám đốc công ty Lập Phúc – chuyên chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao – cho biết đã 4 lần được hưởng quỹ kích cầu của TP.HCM nên nhập được các thiết bị cao cấp của Nhật Bản và Thụy Sĩ, xây dựng được các nhà máy khang trang để công ty đa quốc gia đến và đánh giá đạt tiêu chuẩn.
Tuy vậy, để có đơn hàng thì ông đặt ra giá phải rẻ hơn Trung Quốc và chất lượng phải tốt hơn, tức là muốn giành được việc của Trung Quốc thì phải rẻ hơn.
Để có giá rẻ thì công ty mua máy bãi của Nhật Bản về, thay đổi thiết bị nhưng khi nhập về đóng thuế rất đắt, tới 30% giá trị nên không thể cạnh tranh được. Do đó, ông cho rằng nếu có chính sách thuế hợp lý thì mới giúp thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo máy, tiếp cận được máy móc giá rẻ để sản xuất.
Ông Hồ Quỳnh Hưng – chủ tịch Công ty cổ phần Điện Quang – cho hay thuế với một số sản phẩm linh kiện điện tử đang không khuyến khích sản xuất.
Đơn cử, thuế nhập khẩu bo mạch điện tử cho máy tính bằng 0% nhưng linh kiện lắp ráp bo mạch thì phải chịu thuế khiến sản phẩm này sản xuất trong nước chịu thuế khoảng 3%, không cạnh tranh bằng việc nhập khẩu. Tương tự linh kiện sản xuất đèn led, dây cũng bị đánh thuế đã làm cho sản phẩm sản xuất trong nước thua thiệt so với hàng nhập khẩu.
Ông Hưng cho rằng chính sách phi thuế quan phải làm sao tạo sự cạnh tranh, cần có ưu tiên. Chẳng hạn để sản xuất đèn led, Điện Quang làm cả con chip nhưng lại không có thêm ưu đãi so với nhập khẩu, mặc dù đây là sản phẩm công nghệ cao.
“Nhà nước cần có chính sách dành cho doanh nghiệp sản xuất ra nguyên vật liệu cơ bản, như chip led là lĩnh vực phục vụ cho nhiều ngành chứ không riêng gì ngành chiếu sáng. Ngoài ra, những sản phẩm có sở hữu trí tuệ đăng ký tại Việt Nam, thì cần xem xét trong quá trình tham gia trong mua hàng của nhà nước”, ông Hưng đề xuất.

Nguồn: