Trang chủ Tin tức - sự kiện HỐI HẢ SẢN XUẤT SAU KỲ NGHỈ TẾT

HỐI HẢ SẢN XUẤT SAU KỲ NGHỈ TẾT

Ghi nhận của PV Báo SGGP từ mọi miền đất nước, ngay ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp (DN) đã bắt nhịp trở lại. Nhiều DN hối hả để kịp đơn hàng cho đối tác.

Tăng ca xuyên tết

Sáng 7-2 (mùng 7 tết), gặp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thể (39 tuổi, công nhân Công ty Hoya Lens Việt Nam) cho biết, lần đầu tiên làm việc trong tết, nhưng tâm lý thoải mái. Tại công ty, anh cùng 344 người khác đăng ký làm việc xuyên tết, tăng ca từ 6 giờ đến 18 giờ. “Do đơn hàng gấp, nên đây là dịp để mình có trách nhiệm với công ty, cũng là cơ hội để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”, anh Thể tâm sự.

Hơn 90% công nhân Công ty CP Điện Quang đã trở lại làm việc sau tết

Nhằm duy trì hoạt động trong tết, nhiều đãi ngộ đã được DN thực hiện. Tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHPT), bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban Quản lý SHPT, cho biết, trừ Nidec VN có 3.000 người nghỉ tết thì các DN ở đây làm việc xuyên tết. Để có thể huy động nhiều công nhân làm việc như vậy, các DN đã trả lương gấp 4 lần so với bình thường.

Không làm xuyên tết, nhưng ngay từ ngày mùng 2 tết, nhiều DN thực phẩm trên địa bàn TPHCM như Vĩnh Thành Đạt, Tân Quang Minh… đã quay lại sản xuất, trong đó, Công ty Vĩnh Thành Đạt có 60% công nhân trở lại làm việc.

Tại tỉnh Bình Dương, theo thống kê, toàn tỉnh có 50 DN với gần 7.000 lao động làm việc xuyên tết, trong đó có 8 DN ngoài khu công nghiệp (KCN) với 1.265 lao động.

Chỉ trong ngày 7-2, tại TPHCM có gần 1.000 DN hoạt động trở lại. Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM (HEPZA) Trần Việt Hà cho biết, kết quả này phần lớn đến từ chính sách lương, thưởng tết giữ chân công nhân mà DN đã thực hiện từ trước đó. Đây cũng là cơ hội để DN TPHCM thu hút các đơn hàng dịch chuyển từ những quốc gia trong khu vực.

Đại diện của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cho hay, trong ngày đầu tiên khởi động lại, 3 công ty con đã hoạt động 90% công suất so với bình thường. Đặc biệt, công ty cũng chuẩn bị đơn hàng 2 triệu sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tương tự, Giám đốc điều hành Công ty CP Furnis Nguyễn Văn Sang cho biết, 2 nhà máy của Furnis đã hoạt động gần 100% công suất từ ngày 7-2 để kịp đóng 10 container hàng xuất khẩu đi EU, Mỹ trong tuần này. “Để hoạt động sản xuất ổn định ngay sau tết, chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách để giữ tiền thưởng cho công nhân, người lao động cao hơn, hoặc ít nhất bằng so với năm vừa qua (khoảng 20%-30% thưởng cao hơn)”, ông Sang chia sẻ.

Công nhân Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải – COFIDEC – bên dây chuyền sản xuất.

Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trước đó, từ mùng 5 tết, hơn 700 công nhân của Công ty Phát triển Kinh tế (Cofidec) đã hoạt động trở lại. Phó Giám đốc Cofidec Đoàn Văn Nam cho biết, dù số lượng công nhân trở lại làm việc chưa đủ, nhưng do đơn hàng xuất khẩu gấp nên DN đã hoạt động sớm hơn dự kiến.  “Năm 2021, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 7.000 tấn sản phẩm đông lạnh gồm chả lụa, giò, các sản phẩm cà tím… qua thị trường Mỹ, Nhật, Úc. Năm 2022, công ty phấn đấu đưa doanh số tăng trưởng khoảng 10%, trong đó trên 80% xuất khẩu; đồng thời mở rộng quy mô nhà xưởng lẫn ngành hàng nhằm đa dạng sản phẩm”, ông Nam nói.

Tương tự, tại Công ty CP Cơ Khí – Tư Vấn – Xây dựng – Dịch vụ Minh Việt Sơn, sau khi làm lễ khai trương, nhận lì xì, các công nhân đã khẩn trương bắt tay vào việc. “Hiện chúng tôi đã có đơn hàng sản xuất đến hết quý 1 và đang đàm phán cho những tháng tới. Nhìn chung, đơn hàng năm nay khá dồi dào, đặc biệt từ thị trường châu Âu, Nhật Bản”, Tổng Giám đốc Lê Văn Lợi nói. Theo đánh giá của ông Lợi, tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế đang dần được kiểm soát, hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, hiện Việt Nam là thị trường cực kỳ sôi động, thu hút được nhiều đối tác đến tìm hiểu, ký kết làm ăn, qua đó tạo cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Tăng đãi ngộ “giữ chân” công nhân

Theo HEPZA, năm nay đa số các DN đã ổn định tâm lý công nhân và sản xuất trở lại từ mùng 7 hoặc mùng 8 tết. Riêng các DN dệt may có thể sẽ thiếu khoảng 5%-10% công nhân do một số lao động về quê vẫn chưa trở lại.

Nắm trước tâm lý công nhân trở lại làm việc sau tết sẽ khó khăn nên nhiều DN đã tăng chính sách đãi ngộ. Công ty CP May Sài Gòn 3 dù ngày 8-2 mới khai xuân, nhưng từ cuối tuần qua đã đón 1.300 công nhân trở lại nhà máy. Trước Tết Nguyên đán, công ty đã nhận đơn hàng trị giá 7 triệu USD xuất sang EU và Mỹ nên đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để vừa hết kỳ nghỉ tết là có thể “vào guồng” sản xuất. “Để thu hút người lao động, chúng tôi cam kết thưởng thêm từ 1-2 triệu đồng/người nếu họ quay trở lại làm việc”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết.

Tại Đồng Nai, Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) trong ngày hoạt động đầu năm (ngày 5-2), đã có hơn 90% trên tổng số 37.000 công nhân lao động trở lại làm việc. Để động viên công nhân tăng tốc thi đua đầu năm, DN đã lì xì cho công nhân; tổ chức bốc thăm trúng thưởng với nhiều phần quà có giá trị (toàn bộ các chương trình gần 10 tỷ đồng). Chương trình tương tự cũng được áp dụng tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu)…

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, trong ngày 7-2 đã có khoảng 85% doanh nghiệp và 80% lao động trong KCN trở lại làm việc. Các công ty đang có nhiều chính sách chăm sóc công nhân như Công ty TNHH Chí Hùng (thị xã Tân Uyên) lì xì 300.000 đồng/người; Công ty Shyang Hung Cheng lì xì 300.000-500.000 đồng/người (cộng vào tháng lương đầu tiên) và tổ chức bốc thăm trúng thưởng.

Tại tỉnh Long An, những ngày làm việc đầu năm mới, các DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài trên địa bàn đã tổ chức nhiều chương trình khích lệ, động viên người lao động, bốc thăm may mắn có giá trị lên đến 8 triệu đồng/người.

Nhóm PV – Báo Sài Gòn Giải Phóng