Trang chủ Tin tức - sự kiện Sử dụng điện: ‘Đừng vì tiết kiệm chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp cả đời’

Sử dụng điện: ‘Đừng vì tiết kiệm chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp cả đời’

Theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ cháy liên quan tới sử dụng điện không an toàn. Hàng trăm vụ cháy xảy ra để lại nhiều mất mát lớn, cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân về các giải pháp đảm bảo an toàn sử dụng điện.

Sử dụng điện: ‘Đừng vì tiết kiệm chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp cả đời’ - Ảnh 1.

An toàn và tiết kiệm điện là vấn đề rất được quan tâm – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Tiết kiệm nhưng đảm bảo an toàn

Chia sẻ tại Hội thảo “Sử dụng điện mùa nắng nóng: An toàn và tiết kiệm” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 15-4, thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC và CNCH, cho biết có 3 nguyên nhân gây ra cháy nổ hệ thống điện: chập mạch, quá tải, điện trở lớn.

Sử dụng điện: ‘Đừng vì tiết kiệm chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp cả đời’ - Ảnh 2.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC và CNCH, khuyến cáo các nguyên nhân có thể gây cháy nổ liên quan tới điện – Ảnh: DUYÊN PHAN

Và nguyên nhân chính gây ra các cụm nguyên nhân trên là do vi phạm các nguyên tắc phòng cháy chữa cháy trong sử dụng điện. Có tới 70% vụ cháy liên quan tới điện. Ông Trưởng đưa ra dẫn chứng năm 2019 một vụ cháy do chập điện tại Hà Nội thiêu rụi gần 1.000m2 diện tích và chết 8 người, năm 2020 cháy 5.000m2 nhà xưởng, thiệt hại hơn 130 tỉ đồng cũng do chập điện.

Gần đây nhất vụ cháy chung cư Carina cũng cháy do chập điện (cháy điện xe máy) tại tầng hầm.

“Trước tiên, ngay từ lắp đặt ban đầu người dân phải có tính toán thiết kế đúng tiêu chuẩn, đúng công suất tiêu thụ. Đồng thời phải lựa chọn đúng các thiết bị, dây dẫn chất lượng. Đừng vì tiết kiệm một chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp bao nhiêu năm, cả đời tích góp. Và hơn nữa là cả mạng sống của chính mình”, ông Trưởng nói.

Một giải pháp nữa để hạn chế các vụ cháy nổ, ông Trưởng đề nghị ngành điện khuyến cáo người dân lắp thiết bị ngắt mạch chống cháy trên đường nguồn. Khi có sự cố nhỏ sẽ ngắt điện trước khi chập mạch quá tải. Các thiết bị điện đa số nằm âm tường nên khó phát hiện, do đó gắn thiết bị này rất cần thiết.

Chung ý kiến ông Nguyễn Tùng Minh, giám đốc A&D Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), khuyến cáo cần xác định kết cấu phù hợp để chọn dây dẫn, hiểu dòng điện để chọn dây có tiết diện phù hợp. Khi xây dựng nhà cửa công trình, người dân nên yêu cầu chủ thầu chọn sản phẩm chính hãng được công nhận để bảo vệ mình và gia đình.

Sử dụng điện: ‘Đừng vì tiết kiệm chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp cả đời’ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tùng Minh, giám đốc A&D Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam, đánh giá chọn dây dẫn tốt là cách bảo vệ hệ thống điện gia đình – Ảnh: DUYÊN PHAN

Bài toán chung của cả thế giới

Hằng năm tới mùa nắng nóng, bài toán tiết kiệm điện, an toàn điện lại khiến cả người dân và cơ quan chức năng đau đầu. Phải làm sao để sử dụng điện tiết kiệm, làm sao hạn chế thấp nhất các rủi ro liên quan? Bài toán này không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đau đáu nghiên cứu mỗi ngày.

Sử dụng điện: ‘Đừng vì tiết kiệm chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp cả đời’ - Ảnh 4.

Tiến sĩ Nguyễn Phúc Khải, khoa điện – điện tử Trường đại học Bách khoa TP.HCM, chia sẻ cho biết an toàn và tiết kiệm điện là bài toán chung của cả thế giới – Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo tiến sĩ Nguyễn Phúc Khải, khoa điện – điện tử Trường đại học Bách khoa TP.HCM: vấn đề an toàn tiết kiệm điện là vấn đề chung toàn cầu, các nước đều tập trung nghiên cứu vấn đề này. Xa hơn họ còn nghiên cứu tiết kiệm năng lượng gồm dầu, khí, than…

Về kỹ thuật các nhà phát triển thiết bị điện đang cố gắng nâng tính tự động thiết bị do mình sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm giúp tiết kiệm điện như máy điều hòa, tủ lạnh, nhà thông minh.

Vĩ mô hơn là xây dựng thị trường điện, bán lẻ điện cạnh tranh, nếu sử dụng điện nhiều thì phải trả nhiều tiền hơn. Giải pháp này có thể vấp phải phản ứng nhưng cần thiết, khi ảnh hưởng kinh tế người dân sẽ có ý thức hơn trong việc tiết kiệm, không xài “thả ga” như trước.

“Đối với các hộ gia đình, người dân nên tự làm hoặc thuê dịch vụ lau rửa vệ sinh các thiết bị điện (thiết bị lạnh) thường xuyên. Chính các thiết bị này tiêu thụ rất nhiều năng lượng, nhất là mùa nắng nóng. Ngoài ra việc kiểm tra các thiết bị thường xuyên cũng rất cần thiết vì đồ điện sử dụng lâu sẽ bị thay đổi thiết kế làm tăng công suất tiêu thụ.

Ngành điện cần tăng cường tuyên truyền thêm về an toàn, tiết kiệm điện cho người dân để thay đổi nhận thức. Phải làm sao người dân hiểu điện là ngành kỹ thuật khó, không đơn giản có hai dây nóng lạnh cắm vào sẽ sáng. Nhận thức đơn giản có thể gây ra những thiệt hại lớn do chưa hiểu biết rõ về nguyên tắc”, ông Khải nói.

Thay đổi để phục vụ khách hàng

Để người dân hiểu hơn về ngành điện và ngành điện tiếp cận nhanh nhất những yêu cầu của người dân thì cần phát triển mạnh số hóa. Ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, cho biết trong mùa khô hằng năm sản lượng, nhu cầu tiêu thụ điện của người dân đều tăng.

Sử dụng điện: ‘Đừng vì tiết kiệm chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp cả đời’ - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, chia sẻ về quá trình số hóa – Ảnh: DUYÊN PHAN

Qua đo đếm công suất cực đại đã tăng 8-9% so với cùng kỳ. Cũng trong thời gian này tập trung rất nhiều phản ánh của người dân và phía công ty đã đầu tư mạnh vào số hóa để tạo sự thuận lợi trong tương tác.

“Đến nay tất cả các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp có thể trực tiếp truy cập, tiếp cận với ngành điện, tỉ lệ số giao dịch lên đến hơn 90%. Việc trả tiền điện được chuyển hóa dần, đến nay gần như không còn thu ngân viên, ngoại trừ những trường hợp neo đơn, người lớn tuổi.

Hằng năm đều có đánh giá, tỉ lệ hài lòng của khách hàng 21 tỉnh phía Nam giai đoạn 2015 đến 2020 tăng đều qua mỗi năm, năm 2020 là 8,2/10 điểm.

Còn ông Luân Quốc Hưng, phó giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, chia sẻ để chăm sóc khách hàng tốt thì cần hạ tầng tốt và ngành điện thành phố đang tập trung vào hạ tầng.

Sử dụng điện: ‘Đừng vì tiết kiệm chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp cả đời’ - Ảnh 6.

Ông Luân Quốc Hưng, phó giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM, cho biết luôn nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng qua mỗi năm – Ảnh: DUYÊN PHAN

“Trải qua 5 năm triển khai đồng bộ, TP.HCM về cơ bản đã hoàn tất việc này. Tất cả các trạm điện đều tự động hóa, có bản đồ thông tin địa lý lưới điện của từng khách hàng. Điển hình nhất trong quá trình số hóa là 99% khách hàng có thể đóng tiền điện thông qua các ứng dụng, các dịch vụ trung gian mà không cần mang tiền đến công ty điện lực”, ông Hưng nói.

Sử dụng điện: ‘Đừng vì tiết kiệm chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp cả đời’ - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê, giám đốc điều hành khối dự án Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, chia sẻ sử dụng tích hợp các giải pháp đã giúp một công ty giảm 2 tỉ đồng tiền điện mỗi năm – Ảnh: DUYÊN PHAN

Sử dụng điện: ‘Đừng vì tiết kiệm chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp cả đời’ - Ảnh 8.

Các khách mời tham gia hội thảo sáng 15-4 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Cùng lan tỏa thông điệp an toàn và tiết kiệm điện

Ông Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, mong muốn thông qua Hội thảo “Sử dụng điện mùa nắng nóng: An toàn và tiết kiệm”, thông điệp này sẽ được truyền đi rộng rãi. Ông Trung hi vọng từ các tư vấn của những chuyên gia, người dân sẽ sử dụng điện hợp lý, an toàn có lợi cho chính mình, cho ngành điện và cả xã hội.

Cũng chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê, giám đốc điều hành khối dự án Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, cho biết với việc sử dụng đèn LED có thể tiết kiệm điện rất nhiều. Sử dụng 1.000 bóng đèn LED 18W tiết kiệm 30-40% lượng điện tiêu thụ.

Khi sử dụng thêm giải pháp thông minh của Điện Quang tiết kiệm được lượng điện tương đương là 40%. Nếu kết hợp hai giải pháp có thể tiết kiệm 80% lượng điện tiêu thụ. Các giải pháp của Điện Quang đã giúp một đơn vị dệt may phía Nam tiết kiệm gần 2 tỉ đồng tiền điện 1 năm.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ