Trang chủ Tin tức - sự kiện Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Cùng với sự kết nối, trợ sức của Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội nâng cấp trình độ, đầu tư trang thiết bị, công nghệ… để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là doanh nghiệp tên tuổi ở thị trường trong nước, sản phẩm xuất khẩu sang 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đang đẩy mạnh đầu tư quy mô lớn vào công nghiệp điện tử, mở ra những cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. “Điện Quang đang xuất khẩu các sản phẩm như đèn led, bo mạch điện tử, ổ cắm, thiết bị y tế… ra thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử còn nhiều hạn chế, do đó Điện Quang luôn triển khai và thúc đẩy kết nối với các tập đoàn công nghệ khác nhằm đem lại nhiều giá trị thiết thực, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam” – đại diện Công ty Điện Quang nói.

Điện Quang đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại vào công nghiệp điện tử.

Điện Quang đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại vào công nghiệp điện tử.

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp trong nước đã và sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI. Thời gian qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhưng nay đã được khắc phục và doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất nhằm bù đắp những đơn hàng bị gián đoạn trước đó. “Hiện nay, nhiều tập đoàn sản xuất lớn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng cường nội địa hóa để giảm chi phí và hạn chế rủi ro, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều kiện để nắm bắt cơ hội này là doanh nghiệp phải hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới sản xuất công nghệ cao”, ông Tống cho hay.

Giám đốc CSID Hoàng Thọ Vượng cho rằng, trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng xảy ra trên toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng; trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến được xem xét. “Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp cần liên tục cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới, mở rộng nhà xưởng tiến đến sản xuất hàng loạt, số lượng lớn đáp ứng các yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, doanh nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt thông tin về nhu cầu của thị trường, tiếp cận các khách hàng mới qua nhiều kênh khác nhau; tập hợp, liên kết cùng nhau để đón nhận các đơn hàng lớn từ các khách hàng mới”, ông Vượng nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, CSID đang triển khai các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng hiệu quả sản xuất thông qua các chương trình tư vấn cải tiến trực tiếp tại nhà máy; kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; trong đó, nổi bật là chương trình Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ được tổ chức hằng năm; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư máy móc, dây chuyền mới sản xuất các sản phẩm có giá trị cao…